Phân loại Thiên_kiến_xác_nhận

Những thiên kiến ​​xác nhận là những hiệu ứng trong quá trình xử lý thông tin, khác biệt với hiệu ứng hành vi xác nhận (còn gọi là "lời tiên tri tự hoàn thành"), tức kỳ vọng của con người ảnh hưởng đến hành vi của họ, rút cuộc khiến kỳ vọng đó trở thành sự thật.[4] Một số nhà tâm lý học sử dụng thuật ngữ "thiên kiến xác nhận" để chỉ chung khuynh hướng chống lại việc chối bỏ niềm tin trong khi tìm kiếm, giải thích, hoặc hồi tưởng bằng chứng. Những nhà tâm lý học khác thì giới hạn thuật ngữ này chỉ có nghĩa là sự thu thập bằng chứng có chọn lọc.[5]

Tìm kiếm thông tin thiên vị

Thiên kiến xác nhận từng được mô tả như là một "yes man" (người luôn đồng ý với chủ nhân của mình) trong nội tâm mỗi người, và ủng hộ mù quáng niềm tin của người này như nhân vật Uriah Heep của Charles Dickens.[6]

Nhiều thí nghiệm đã cho thấy con người có khuynh hướng phân tích các giả thuyết một cách phiến diện, bằng cách tìm kiếm bằng chứng phù hợp với giả thuyết hiện thời của họ.[7][8] Thay vì xem xét qua tất cả các bằng chứng có liên quan, họ đặt ra các câu hỏi nhằm vào một câu trả lời khẳng định, ủng hộ cho giả thuyết của họ.[9] Họ tìm kiếm những kết quả mà họ mong đợi nếu giả thuyết của họ là đúng, chứ không phải là những gì sẽ xảy ra nếu nó sai.[9] Ví dụ, một người đang thử xác định một con số bằng cách sử dụng câu hỏi đúng/sai và khi nghi ngờ con số cần xác định là số 3 thì người đó có thể sẽ hỏi "đó là số lẻ?". Người thích loại câu hỏi như thế này được gọi là "phép thử khẳng định", mặc dù cả khi phép thử là phủ định, chẳng hạn như người đó hỏi "đó là số chẳn phải không?" thì cũng sẽ mang lại chính xác cùng một thông tin.[10] Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con người tìm kiếm những phép thử mà họ chắc chắn sẽ cho ra một câu trả lời khẳng định. Trong các nghiên cứu, khi đối tượng có thể được chọn một trong hai phép thử là giả lập hoặc xác thực, thì họ ưu tiên chọn phép thử xác thực.[11][12]

Việc ưu tiên cho các phép thử khẳng định tự thân nó không phải là một thiên kiến, vì các phép thử khẳng định có thể cung cấp nhiều thông tin hơn.[13] Tuy nhiên, khi kết hợp với các kết quả khác, cách chọn phép thử này có thể dẫn đến sự củng cố niềm tin hoặc giả định hiện có, bất chấp vào những phép thử đó là đúng hay sai.[14] Trong những tình huống thực tế, bằng chứng thường phức tạp và rối rắm. Ví dụ, khi ta có nhiều quan niệm mâu thuẫn với nhau về một người nào đó, thì những quan niệm này có thể được xác định lại bằng cách ta chỉ tập trung vào một khía cạnh duy nhất của hành vi người đó.[8] Vì thế, việc tìm kiếm bằng chứng để ủng hộ cho giả thuyết sẽ có khả năng thành công.[14] Một sự minh họa cho điều này, đó là cách diễn đạt câu hỏi có tính chất gợi ý để thay đổi câu trả lời.[8] Ví dụ, khi người ta hỏi "cuộc sống của bạn có hạnh phúc không?" thì sẽ nhận được câu trả lời "hài lòng" nhiều hơn là khi hỏi "cuộc sống của bạn có bất hạnh không?".[15]

Diễn giải thiên vị

"Những người thông minh lại tin những điều kỳ cục bởi vì họ thành thạo trong việc bảo vệ những niềm tin mà họ bám vào do những lý do không thông minh."

Michael Shermer[16]

Thiên kiến xác nhận không giới hạn trong tập hợp những bằng chứng. Ngay cả hai người có cùng thông tin thì cách cách họ diễn dịch thông tin đó vẫn có thể bị thiên lệch.

Một nhóm ở Đại học Stanford đã tiến hành một thí nghiệm mà những người tham gia có cảm giác mạnh về án tử hình, một nửa tán thành còn nửa kia chống lại nó.[17][18] Mỗi người tham gia được cho đọc bản mô tả hai nghiên cứu: một bản so sánh các bang của Hoa Kỳ có và không có án tử hình, và một bản so sánh tỉ lệ các vụ giết người ở một bang trước và sau khi đề xuất án tử hình ở nơi đó. Sau đó, người ta hỏi họ liệu ý kiến của họ về vấn đề này có thay đổi không. Tiếp đó, họ đọc một bản trình bày chi tiết về quy trình thực hiện những nghiên cứu đó và phải đánh giá xem liệu nghiên cứu có tính thuyết phục và có được tiến hành tốt.[17] Trên thực tế, các "nghiên cứu" đó đều là hư cấu. Một nửa số người tham gia được bảo rằng một nghiên cứu ủng hộ hiệu ứng ngăn chặn của án tử hình và nghiên cứu còn lại thì chống lại; trong khi nửa kia được thông báo những kết luận hoán đổi ngược lại.[17][18]

Những người tham gia, dù là những người ban đầu ủng hộ hay phản đối tử hình, đều thể hiện sự thay đổi thái độ chút ít theo thướng nghiên cứu đầu tiên họ đọc. Một khi họ đọc bản mô tả chi tiết, hầu như toàn bộ họ quay về quan niệm ban đầu bất kể bằng chứng đưa ra là gì, chỉ ra các chi tiết ủng hộ quan điểm của họ và làm ngơ bất cứ những gì trái ngược với nó. Các đối tượng tham gia đều mô tả nghiên cứu ủng hộ quan điểm tồn tại từ trước của họ là ưu việt hơn so với nghiên cứu mâu thuẫn với nó, theo những cách chi tiết và đặc thù.[17][19] Viết về một nghiên cứu dường như có vẻ bác bỏ hiệu ứng ngăn chặn của án tử hình, một người ủng hộ án tử hình viết, "Nghiên cứu này không xem xét một khoảng thời gian đủ dài", trong khi cũng về nghiên cứu đó người có quan điểm đối lập lại bình luận, "Không bằng chứng mạnh nào mâu thuẫn với các nhà nghiên cứu được trình bày".[17] Những kết quả này minh họa một điều rằng, người ta đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn về bằng chứng cho những giả thiết nào đi ngược với trông đợi thông thường của họ. Hiệu ứng này, đôi khi được gọi là "thiên kiến phản đối" ("disconfirmation bias") cũng được các thí nghiệm khác chỉ ra.[20]

Máy quét MRI cho phép các nhà nghiên cứu kiểm tra bộ não con người xử lý những thông tin không mong đợi như thế nào.

Một nghiên cứu khác về cách diễn dịch mang thiên kiến xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2004 trên những người tham gia bộc lộ cảm giác mạnh về các ứng cử viên. Người ta đưa cho họ hai cặp tuyên bố mâu thuẫn, hoặc từ ứng cử viên Cộng hòa George W. Bush, ứng cử viên Dân chủ John Kerry hoặc một nhân vật công chúng có lập trường chính trị trung hòa. Những người tham gia cũng nhận những tuyến bố khác để làm cho sự sự mâu thuẫn bề ngoài có vẻ hợp lý. Từ ba mẩu thông tin, họ phải trả lời quyết định xem những tuyên bố của mỗi cá nhân có tự mâu thuẫn hay không.[21]:1948 Các đánh giá này khác nhau rất nhiều, và có xu hướng rõ rệt là các những người tham gia diễn giải các tuyên bố từ những ứng viên mà họ không ưa là mâu thuẫn.[21]:1951

Trong thí nghiệm này, người ta tiến hành theo dõi hoạt động não của những người tham gia bằng một máy chụp cộng hưởng từ (MRI) khi họ đưa ra kết luận. Khi các thành viên đánh giá những tuyên bố mâu thuẫn của ứng viên mà họ ủng hộ, các trung tâm cảm xúc trên não của họ bị kích thích. Điều này không xảy ra với những tuyên bố của những nhân vật kia. Nhóm nghiên cứu đi đến kết luận rằng những phản ứng khác nhau đối với các tuyên bố không phải do những sai lầm lập luận chủ quan. Thay vào đó, những người tham gia đã tích cực giảm sự xung đột nhận thức sinh ra do việc đọc về hành vi phi lý hoặc đạo đức giả về ứng viên họ ủng hộ.[21]

Những thiên kiến trong việc diễn giải niềm tin tồn tại dai dẳng, bất kể trình độ trí tuệ của người đó ra sao. Những thành viên trong một thí nghiệm đã làm một bài kiểm tra SAT (một bài thi phục vụ cho tuyển sinh đại học ở Hoa Kỳ) để đánh giá năng lực trí tuệ của họ. Sau đó họ đọc thông tin liên quan tới những quan ngại về an toàn cho một số loại ô tô, và nhóm nghiên cứu bịa ra xuất xứ của những chiếc xe đó. Những đối tượng tham gia là người Hoa Kỳ được yêu cầu đánh giá ý kiến của họ về việc liệu những chiếc xe này có nên bị cấm hay không theo thang điểm 6, "nhất định có" ứng với điểm 0 và "nhất định không" là 6 điểm. Những người tham gia đầu tiên đánh giá rằng liệu họ có cho phép một chiếc xe Đức nguy hiểm trên đường phố Hoa Kỳ và một chiếc xe Hoa Kỳ nguy hiểm trên đường phố Đức. Kết quả thí nghiệm cho thấy rằng họ tin chiếc xe Đức nguy hiểm trên đất Hoa Kỳ nên bị cấm hơn (điểm số thấp hơn) là chiếc xe Hoa Kỳ nguy hiểm trên đường phố Đức. Khi xem lại kết quả bài kiểm tra SAT, người ta không thấy có sự chênh lệch nào trong trình độ trí tuệ trong mức độ các thành viên muốn cấm một chiếc xe.[22]

Cách diễn giải thiên lệch không giới hạn trong những chủ đề chịu ảnh hưởng mạnh bởi cảm xúc. Trong một thí nghiệm khác, các đối tượng tham gia nghe một câu chuyện kể về một vụ trộm. Họ phải đánh giá mức độ quan trọng bằng chứng của các mệnh đề lập luận ủng hộ hay chống lại việc một nhân vật cụ thể nào phải chịu trách nhiệm. Khi họ đặt giả thuyết rằng nhân vật đó có tội, họ đánh giá các mệnh đề ủng hộ giả thuyết đó hơn quan trọng hơn là những mệnh đề mâu thuẫn.[23]

Ký ức thiên vị

Ngay cả nếu con người thu thập và diễn giải bằng chứng theo một cách trung lập, họ vẫn có thể ghi nhớ nó một cách có lọc lựa để củng cố cho những kỳ vọng của họ. Hiệu ứng này được gọi là "hồi tưởng chọn lọc", "ký ức xác nhận" hay "ký ức truy cập thiên vị".[24] Các lý thuyết tâm lý khác nhau trong những tiên đoán về hồi tưởng chọn lọc. Thuyết "sơ đồ ý nghĩ" (schema) tiên đoán rằng các thông tin phù hợp với những kỳ vọng trước đây sẽ lưu trữ và hồi tưởng dễ dàng hơn là những thông tin không phù hợp.[25] Một vài các tiếp cận khác rằng những thông tin gây ngạc nhiên nổi bật lên và do đó không bị quên đi.[25] Các tiên đoán từ tất cả những lý thuyết này đều được xác nhận trong những ngữ cảnh thí nghiệm khác nhau, mà không có lý thuyết nào có ưu thế xác định rõ ràng.[26]

Trong một nghiên cứu, những người tham gia đọc một hồ sơ về một phụ nữ mô tả pha trộn những hành vi hướng nội và hướng ngoại.[27] Sau đó họ phải nhắc lại những ví dụ về tính hướng nội và tính hướng ngoại của người phụ nữ này. Người ta nói với một nhóm rằng mục đích của điều này là đánh giá người phụ nữ cho vị trí công việc thủ thư, còn với nhóm thứ hai rằng đó là cho vị trí rao bán bất động sản. Có sự khác biệt đáng kể giữa những gì hai nhóm này nhớ lại được, nhóm đầu (nghe nói về thủ thư) hồi tưởng nhiều ví dụ về tính hướng nội hơn và nhóm sau hồi tưởng nhiều hành vi hướng ngoại hơn.[27] Một hiệu ứng ký ức chọn lọc cũng thể hiện trong các thí nghiệm lợi dụng sự đáng thèm muốn của các loại nhân cách.[25][28] Một trong số đó là một thí nghiệm chỉ cho một nhóm người tham gia bằng chứng rằng những người hướng ngoại thành công hơn những người hướng nội, trong khi đưa ra cho nhóm khác điều ngược lại. Trong một nghiên cứu sau đó, ngụy trang như không liên quan, người ta yêu cầu những người tham gia nhắc lại những sự kiện trong cuộc đời họ biểu lộ hoặc tính hướng nội hoặc tính hướng ngoại. Kết quả cho thấy, người trong nhóm nào cũng đưa ra nhiều ký ức liên hệ bản thân họ với loại nhân cách đáng mong muốn mô tả từ trước, và cũng nhắc lại những ký ức này nhanh chóng hơn.[29]

Một thí nghiệm khác xác nhận rằng những thay đổi trong trạng thái cảm xúc cũng có thể ảnh hưởng tới việc hồi tưởng ký ức.[30][31] Những người tham gia trong thí nghiệm này đánh giá họ cảm thấy ra sao khi lần đầu tiên họ nghe tin O.J. Simpson đã được tòa tha bổng vụ án giết người.[30] Họ mô tả các phản ứng cảm xúc của họ và sự tin tưởng liên quan tới phán quyết một tuần, hai tháng, và một năm sau vụ xử. Kết quả cho thấy rằng đánh giá của những người tham gia về chuyện Simpson có tội hay không thay đổi theo thời gian. Ý kiến về phán quyết thay đổi càng nhiều, ký ức của họ về phản ứng cảm xúc ban đầu càng kém ổn định. Khi những người tham gia nhắc lại phản ứng cảm xúc ban đầu của họ hai tháng và một năm sau, những thẩm định quá khứ rất giống với thậm định cảm xúc đương thời. Người ta bộc lộ thiên kiến "phe mình" đáng kể khi mô tả quan điểm của họ về những chủ đề gây tranh cãi. Sự hồi tưởng ký ức và sự hình thành kinh nghiệm trải qua thay đổi liên quan tới các trạng thái cảm xúc tương ứng.[22]

Người ta cũng nhận thấy thiên kiến "phe mình" có thể ảnh hưởng tới tính chính xác của hồi tưởng ký ức.[31] Trong một thí nghiệm, những người phụ nữ và đàn ông góa đánh giá cường độ nỗi buồn của họ sáu tháng và năm năm sau cái chết của bạn đời. Những người tham gia thể hiện một cảm nghiệm buồn đau lớn hơn vào thời điều sáu tháng so với năm năm. Tuy nhiên, khi những người tham gia được hỏi rằng họ nhớ vào lúc sáu tháng sau người chồng/vợ của họ mất họ đã đau buồn ra sao, cường độ nỗi buồn mà những người tham gia hồi tưởng lại tương đồng rất cao với mức độ hiện tại của họ. Các cá nhân dường như sử dụng trạng thái cảm xúc hiện tại của họ để phân tích họ phải cảm thấy ra sao khi cảm nghiệm những sự kiện quá khứ. Nói cách khác, ký ức cảm xúc được tái cấu trúc lại bởi trạng thái cảm xúc hiện tại.[30]

Một nghiên cứu chỉ ra cách ký ức chọn lọc có thể duy trì niềm tin vào ngoại cảm như thế nào.[32] Nhóm làm thí nghiệm trình bày cho những người tin và ngoại cảm và những người không tin những mô tả về các thí nghiệm liên quan tới ngoại cảm. Một nửa của mỗi nhóm được cho biết rằng các kết quả thực nghiệm ủng hộ sự tồn tại của ngoại cảm, trong khi nửa kia cho rằng các kết quả này bác bỏ ngoại cảm. Trong một bài kiêm tra sau đó, những tham gia phải hồi tưởng lại tài liệu một cách chính xác, chỉ trư những người vốn tin vào ngoại cảm và đọc thấy bằng chứng không ủng hộ ngoại cảm. Nhóm này nhớ ít thông tin hơn hẳn và vài người trong số họ nhớ nhầm những kết quả là ủng hộ ngoại cảm.[32]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thiên_kiến_xác_nhận http://hosted.xamai.ca/confbias/ http://www.amazon.com/Emerging-Perspectives-Judgme... http://www.amazon.com/Handbook-Social-Psychology-S... http://www.boston.com/bostonglobe/ideas/articles/2... http://books.google.com/books?id=0SYVAAAAYAAJ&pg=P... http://web.mac.com/kstanovich/Site/YUP_Reviews_fil... http://www.myfoxal.com/story/23395758/camm-trial-9... http://www.scientificamerican.com/article.cfm?id=t... http://skepdic.com/confirmbias.html http://www.skepdic.com/backfireeffect.html